Các quy định về bảo quản vắc xin trong thiết bị dây chuyền lạnh? Khi cấp phát, tiếp nhận vắc xin phải đảm bảo yêu cầu gì?

Khi cấp phát, tiếp nhận vắc xin phải đảm bảo yêu cầu gì?

Căn cứ tại Điều 3 Thông tư 34/2018/TT-BYT quy định yêu cầu đối với việc cấp phát, tiếp nhận vắc xin như sau:

- Đối với việc cấp phát vắc xin: khi cấp phát vắc xin, người cấp phát phải kiểm tra và lưu giữ thông tin theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 34/2018/TT-BYT tại đơn vị cấp phát. Nếu phát hiện có bất thường về các thông tin liên quan đến vắc xin thì hai bên giao nhận phải lập biên bản về tình trạng thực tế của vắc xin và xử lý theo quy định.

- Đối với việc tiếp nhận vắc xin: Khi tiếp nhận vắc xin, người tiếp nhận phải kiểm tra và lưu giữ thông tin theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 34/2018/TT-BYT, không tiếp nhận khi có bất thường về thông tin liên quan đến vắc xin.

Bảo quản vắc xin trong thiết bị dây chuyền lạnh như thế nào thì đúng cách? Khi cấp phát, tiếp nhận vắc xin phải đảm bảo yêu cầu gì?

Bảo quản vắc xin trong thiết bị dây chuyền lạnh như thế nào thì đúng cách? Khi cấp phát, tiếp nhận vắc xin phải đảm bảo yêu cầu gì? (Hình từ Internet)

Bảo quản vắc xin trong thiết bị dây chuyền lạnh như thế nào thì đúng cách?

Căn cứ tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 34/2018/TT-BYT quy định như sau:

Bảo quản vắc xin và dung môi trong thiết bị dây chuyền lạnh
1. Bảo quản vắc xin:
Vắc xin phải được bảo quản theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng (sau đây gọi tắt là Nghị định số 104/2016/NĐ-CP) và các quy định cụ thể sau đây:
a) Vắc xin phải được bảo quản riêng trong thiết bị dây chuyền lạnh, không bảo quản chung với các sản phẩm khác;
b) Sắp xếp vắc xin đúng, vị trí, tránh làm đông băng vắc xin;
c) Bảo đảm vệ sinh khi thực hiện thao tác với hộp, lọ vắc xin;
d) Thực hiện việc theo dõi nhiệt độ dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin hằng ngày (kể cả ngày lễ, ngày nghỉ) và ghi vào bảng theo dõi nhiệt độ tối thiểu 2 lần/ ngày vào buổi sáng bắt đầu ngày làm việc và buổi chiều trước khi kết thúc ngày làm việc;
đ) Đối với vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng: Ngoài việc thực hiện các quy định tại các điểm a, b, c, d Khoản này, phải có thiết bị cảnh báo nhiệt độ buồng lạnh, có nhật ký tự động ghi lại nhiệt độ đối với kho bảo quản vắc xin trong tiêm chủng mở rộng của trung ương và khu vực; có nhiệt kế và chỉ thị đông băng điện tử đối với kho hoặc tủ lạnh bảo quản vắc xin của tuyến tỉnh và tuyến huyện; có nhiệt kế đối với tủ lạnh, hòm lạnh hoặc phích vắc xin của tuyến xã.
2. Bảo quản dung môi:
Trường hợp không đóng gói cùng vắc xin, dung môi có thể được bảo quản ngoài thiết bị dây chuyền lạnh nhưng phải tuân thủ các yêu cầu bảo quản của nhà sản xuất và đáp ứng các yêu cầu sau:
a) Không được để đông băng dung môi;
b) Phải được làm lạnh từ +2°C đến +8°C trước khi sử dụng 24 giờ để pha hồi chỉnh.

Như vậy theo quy định trên bảo quản vắc xin trong thiết bị dây chuyền lạnh như sau:

- Vắc xin phải được bảo quản riêng trong thiết bị dây chuyền lạnh, không bảo quản chung với các sản phẩm khác.

- Sắp xếp vắc xin đúng, vị trí, tránh làm đông băng vắc xin.

- Bảo đảm vệ sinh khi thực hiện thao tác với hộp, lọ vắc xin.

- Thực hiện việc theo dõi nhiệt độ dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin hằng ngày (kể cả ngày lễ, ngày nghỉ) và ghi vào bảng theo dõi nhiệt độ tối thiểu 2 lần/ ngày vào buổi sáng bắt đầu ngày làm việc và buổi chiều trước khi kết thúc ngày làm việc.

- Đối với vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng: Ngoài việc thực hiện các yêu cầu trên, phải có:

+ Thiết bị cảnh báo nhiệt độ buồng lạnh, có nhật ký tự động ghi lại nhiệt độ đối với kho bảo quản vắc xin trong tiêm chủng mở rộng của trung ương và khu vực.

+ Nhiệt kế và chỉ thị đông băng điện tử đối với kho hoặc tủ lạnh bảo quản vắc xin của tuyến tỉnh và tuyến huyện; có nhiệt kế đối với tủ lạnh, hòm lạnh hoặc phích vắc xin của tuyến xã.

Vắc xin trong buổi tiêm chủng phải được bảo quản như thế nào?

Căn cứ tại Điều 5 Thông tư 34/2018/TT-BYT quy định vắc xin trong buổi tiêm chủng phải được bảo quản như sau:

- Sử dụng phích vắc xin, hòm lạnh hoặc tủ lạnh để bảo quản vắc xin trong suốt buổi tiêm chủng như bảo quản vắc xin trong thiết bị dây chuyền lạnh đã nêu ở trên và phải bảo đảm nhiệt độ từ +2°C đến +8°C.

- Những lọ vắc xin chưa mở sau buổi tiêm chủng cần được tiếp tục bảo quản trong thiết bị dây chuyền lạnh và sử dụng trước vào buổi tiêm chủng kế tiếp.

Thực hiện bảo dưỡng thiết bị dây chuyền lạnh, giám sát việc bảo quản vắc xin trong dây chuyền lạnh như thế nào?

Căn cứ tại Điều 7 Thông tư 34/2018/TT-BYT quy định thực hiện bảo dưỡng thiết bị dây chuyền lạnh, giám sát việc bảo quản vắc xin trong dây chuyền lạnh như sau:

- Thiết bị dây chuyền lạnh phải được kiểm tra thường xuyên, theo dõi tình trạng hoạt động, bảo dưỡng định kỳ theo hướng dẫn của nhà sản xuất, được sửa chữa hoặc thay thế phù hợp với yêu cầu kỹ thuật của nhà sản xuất bảo đảm vắc xin luôn được lưu giữ ở đúng nhiệt độ trong suốt quá trình bảo quản, vận chuyển và sử dụng theo hướng dẫn sử dụng ghi trên nhãn hoặc tờ hướng dẫn sử dụng vắc xin.

- Thực hiện bảo dưỡng định kỳ và hiệu chuẩn định kỳ thiết bị dây chuyền lạnh, thiết bị theo dõi nhiệt độ bảo quản vắc xin theo quy định của Nghị định 98/2021/NĐ-CP.

(Theo Thư viện Pháp luật)