Có bằng bác sĩ là có thể mở phòng tiêm chủng tư nhân đúng không? Thủ tục mở phòng tiêm chủng hiện nay như thế nào?
Cho em hỏi em muốn mở phòng tiêm chủng, có bằng bác sĩ là có thể mở có đúng không? Cần phải tập huấn hay bằng cấp như thế nào, để giấy kinh doanh có dễ dàng không ạ? Rất mong được trả lời, em xin cảm ơn.
Nội dung chính
- Điều kiện mở phòng tiêm chủng hiện nay như thế nào? Có bằng bác sĩ là mở được có đúng không?
- Về việc bố trí, sắp xết trong phòng tiêm chủng tư nhân được thực hiện thế nào?
- Các phòng tiêm chủng tư nhân đủ điều kiện thực hiện thủ tục công bố đủ điều kiện tiêm chủng như thế nào?
Điều kiện mở phòng tiêm chủng hiện nay như thế nào? Có bằng bác sĩ là mở được có đúng không?
Đối với trường hợp anh/chị muốn mở phòng tiêm chủng tư nhân thì được xem là cơ sở tiêm chủng cố định. Căn cứ theo Điều 9 Nghị định 104/2016/NĐ-CP (Được sửa đổi theo điểm b, điểm c khoản 3 Điều 15 Nghị định 155/2018/NĐ-CP) thì điều kiện để mở phòng tiêm chủng tư nhân được quy định như sau:
- Đối với cơ sở vật chất
+ Khu vực tiêm chủng phải bảo đảm che được mưa, nắng, kín gió, thông thoáng và bố trí theo nguyên tắc một chiều từ đón tiếp, hướng dẫn, tư vấn, khám sàng lọc, thực hiện tiêm chủng, theo dõi và xử trí phản ứng sau tiêm chủng.
- Đối với trang thiết bị:
+ Có tủ lạnh chuyên dụng, phích vắc xin hoặc hòm lạnh, các thiết bị theo dõi nhiệt độ tại nơi bảo quản và trong quá trình vận chuyển vắc xin;
+ Có hộp chống sốc, phác đồ chống sốc treo tại nơi theo dõi, xử trí phản ứng sau tiêm chủng theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
+ Đối với nhân sự:
- Số lượng: Có tối thiểu 03 nhân viên chuyên ngành y, trong đó có ít nhất 01 nhân viên có trình độ chuyên môn từ y sỹ trở lên; đối với cơ sở tiêm chủng tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn phải có tối thiểu 02 nhân viên có trình độ từ trung cấp chuyên ngành y trở lên, trong đó có ít nhất 01 nhân viên có trình độ chuyên môn từ y sỹ trở lên.
- Nhân viên y tế tham gia hoạt động tiêm chủng phải được tập huấn chuyên môn về tiêm chủng. Nhân viên trực tiếp khám sàng lọc, tư vấn, theo dõi, xử trí phản ứng sau tiêm chủng phải có trình độ chuyên môn từ y sỹ trở lên; nhân viên thực hành tiêm chủng có trình độ từ trung cấp Y học hoặc trung cấp Điều dưỡng - Hộ sinh trở lên.
Theo đó để được mở phòng tiêm chủng tư nhân bên cạnh bằng cấp anh/chị cần đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự như đã nêu trên.
Có bằng bác sĩ là có thể mở phòng tiêm chủng tư nhân đúng không?
Về việc bố trí, sắp xết trong phòng tiêm chủng tư nhân được thực hiện thế nào?
Ngoài việc đáp ứng đủ điều kiện như đã trình bày, khi mở phòng tiêm chủng tư nhân anh/chị phải tuân thủ quy định về bố, trí sắp xếp theo quy định tại Điều 9 Thông tư 34/2018/TT-BYT như sau:
"Điều 9. Bố trí, sắp xếp tại điểm tiêm chủng cố định và điểm tiêm chủng lưu động
1. Tổ chức buổi tiêm chủng không quá 50 đối tượng/1 điểm tiêm chủng/1 buổi tiêm chủng. Trong trường hợp điểm tiêm chủng chỉ tiêm một loại vắc xin trong một buổi thì số lượng không quá 100 đối tượng/buổi. Bố trí đủ nhân viên y tế để thực hiện khám sàng lọc.
2. Mỗi cơ sở tiêm chủng được tổ chức từ một đến nhiều điểm tiêm chủng cố định và đều phải bảo đảm đủ diện tích, nhân sự, cơ sở vật chất và trang thiết bị.
3. Tại mỗi điểm tiêm chủng phải có bản phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng nhân viên.
4. Bố trí điểm tiêm chủng bảo đảm nguyên tắc một chiều theo thứ tự như sau: Khu vực chờ trước tiêm chủng → Bàn đón tiếp, hướng dẫn → Bàn khám sàng lọc và tư vấn trước tiêm chủng → Bàn tiêm chủng → Bàn ghi chép, vào sổ tiêm chủng → Khu vực theo dõi và xử trí tai biến sau tiêm chủng."
Các phòng tiêm chủng tư nhân đủ điều kiện thực hiện thủ tục công bố đủ điều kiện tiêm chủng như thế nào?
Theo Điều 11 Nghị định 104/2016/NĐ-CP (Được sửa đổi bởi điểm h khoản 3 Điều 15 Nghị định 155/2018/NĐ-CP) quy định thủ tục công bố cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện tiêm chủng như sau
- Gửi văn bản thông báo đủ điều kiện tiêm chủng theo mẫu cho Sở Y tế nơi cơ sở tiêm chủng đặt trụ sở.
Trước khi thực hiện hoạt động tiêm chủng, cơ sở tiêm chủng phải gửi văn bản thông báo đủ điều kiện tiêm chủng theo mẫu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này cho Sở Y tế nơi cơ sở tiêm chủng đặt trụ sở.
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo đủ điều kiện tiêm chủng, Sở Y tế phải đăng tải thông tin về tên, địa chỉ, người đứng đầu cơ sở đã công bố đủ điều kiện tiêm chủng trên Trang thông tin điện tử của Sở Y tế (thời điểm tính ngày phải công bố thông tin được xác định theo dấu công văn đến của Sở Y tế).
- Cơ sở chỉ được thực hiện hoạt động tiêm chủng sau khi đã thực hiện việc công bố đủ điều kiện tiêm chủng, người đứng đầu cơ sở thực hiện tiêm chủng tự công bố đủ điều kiện tiêm chủng chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tự công bố của mình.
- Trong quá trình thanh tra, kiểm tra điều kiện tiêm chủng tại các cơ sở tiêm chủng, nếu phát hiện cơ sở tiêm chủng không tuân thủ các điều kiện quy định tại Điều 9 hoặc Điều 10 Nghị định này thì đoàn thanh tra, kiểm tra phải lập biên bản tạm đình chỉ hoạt động và kiến nghị cấp có thẩm quyền quyết định việc xử lý theo quy định của pháp luật đồng thời gửi 01 bản biên bản về Sở Y tế nơi cơ sở tiêm chủng đặt trụ sở.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được biên bản tạm đình chỉ hoạt động quy định tại khoản 3 Điều này (thời điểm nhận biên bản được xác định theo dấu công văn đến của Sở Y tế), Sở Y tế rút tên cơ sở khỏi danh sách cơ sở tự công bố đã đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Sở Y tế.
>>>> Xem thêm: NHỮNG TIÊU CHUẨN NGHIÊM NGẶT TRONG BẢO QUẢN LẠNH VẮC XIN? NHIỆT ĐỘ BẢO QUẢN CÁC LOẠI VẮC XIN?