Hai yếu tố quyết định tiêm chủng vắc xin an toàn

Vắc xin chỉ đảm bảo an toàn và phát huy tối đa hiệu quả phòng bệnh khi được thông qua kiểm định, bảo quản trong kho lạnh và hệ thống dây chuyền lạnh đạt chuẩn GSP, đặc biệt là thực hành đúng quy trình an toàn tiêm chủng.

Sáng 10-7, báo Tuổi Trẻ với sự đồng hành của Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC tổ chức tọa đàm, giao lưu trực tuyến "Tiêm chủng vắc xin an toàn và nâng cao nhận thức cộng đồng" - Ảnh: NAM TRẦN

Tại tọa đàm, giao lưu trực tuyến "Tiêm vắc xin an toàn và nâng cao nhận thức cộng đồng", do báo Tuổi Trẻ tổ chức sáng 10-7 tại Hà Nội, các chuyên gia đã phân tích nhiều khía cạnh liên quan đến vấn đề kiểm định, bảo quản vắc xin và thực hành tiêm chủng làm sao để đảm bảo an toàn cho người dân.

Quy trình kiểm định, bảo quản vắc xin chặt chẽ

Theo TS Lưu Thị Dung - phó trưởng khoa quản lý hệ thống chất lượng, Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế, để các loại vắc xin được lưu hành trên thị trường, tất cả các đơn vị sản xuất đều phải kiểm soát nghiêm ngặt qua các giai đoạn.

Hiện nay, vắc xin tại Việt Nam được chia thành hai loại: vắc xin nhập khẩu và vắc xin sản xuất trong nước. Tất cả các loại vắc xin này khi được cho phép lưu hành và đạt đủ các tiêu chuẩn sẽ được chuyển đến Viện Kiểm định quốc gia để rà soát lại thủ tục, hồ sơ pháp lý liên quan đến chất lượng và bảo quản vắc xin.

Sau khi thông qua các bước, vắc xin sẽ được đưa xuống bảo quản tại các kho lạnh. Quá trình bảo quản này vẫn được giám sát hậu kiểm và kiểm tra chất lượng ngẫu nhiên. Những lô vắc xin không đảm bảo an toàn như đông cứng, hết hạn sử dụng... sẽ không được đưa vào tiêm chủng cho người dân.

Chia sẻ về quy trình đảm bảo chất lượng vắc xin tại VNVC, bà Ngô Thị Tuyết Sương, giám đốc chất lượng Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho hay sau khi trải qua quá trình kiểm định, toàn bộ của vắc xin của VNVC sẽ được bảo quản trong hệ thống 4 tổng kho lạnh đạt chuẩn quốc tế Good Storage Practices (GSP) cùng hệ thống dây chuyền lạnh khép kín với hàng trăm kho lạnh trên toàn quốc. 

Mỗi trung tâm tiêm chủng đều có tủ lạnh bảo quản vắc xin chuyên dụng, cuối ngày vắc xin sẽ được chuyển về kho lạnh để giám sát cao hơn.

Theo bà Sương, vắc xin bảo quản tại kho lạnh và tủ lạnh đều được giám sát nhiệt độ tự động 24/24 giờ. Nhân sự quản lý chuyên môn có thể kiểm tra nhiệt độ ở bất kỳ vị trí nào trong kho qua các giám sát đầu dò được lắp đặt. 

Nếu nhiệt độ ở ngưỡng nguy hiểm, hệ thống sẽ kịp thời có cảnh báo tại chỗ và trực tuyến bằng tín hiệu đèn còi và gửi tin nhắn, email đến bộ phận chuyên trách như thủ kho, quản lý trung tâm, giám đốc kho, giám đốc vận hành toàn quốc.

Để tránh nguy cơ mất điện ảnh hưởng đến chất lượng vắc xin, đặc biệt là trong thời tiết nắng nóng như hiện nay, bên cạnh nguồn điện lưới quốc gia, VNVC đầu tư máy phát điện dự phòng công suất lớn đảm bảo cung cấp điện liên tục trong 72 giờ. Đồng thời sẵn sàng điều động xe phát điện di động có mặt trong một giờ đồng hồ, phòng trường hợp cả hai nguồn điện kể trên gặp sự cố, dù điều này chưa từng xảy ra.

Bà NGÔ THỊ TUYẾT SƯƠNG (giám đốc chất lượng Hệ thống tiêm chủng VNVC)

Quy trình thực hành an toàn tiêm chủng nghiêm ngặt

Ngoài đảm bảo chất lượng của vắc xin, quy trình thực hiện an toàn tiêm chủng cũng được các chuyên gia đặc biệt lưu ý. Bà Đặng Thanh Huyền, phó trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia, nhấn mạnh tiêm chủng an toàn là tiêm chủng được thực hiện khi đủ điều kiện sức khỏe, đúng vắc xin và đúng đường tiêm. Việc sàng lọc sức khỏe trước tiêm có vai trò quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn tiêm chủng. 

Ngoài việc các đơn vị chuyên môn thực hiện đúng yêu cầu, tư vấn, khám sàng lọc thì người dân khi tham gia tiêm chủng cũng phải khai báo trung thực, đầy đủ các câu hỏi trước khi tiêm chủng để loại bỏ các nguy cơ có thể gây ảnh hưởng đến hiệu quả tiêm chủng.

Bên cạnh đó, theo bà Huyền, mặc dù trải qua một quy trình kiểm tra chặt chẽ nhưng phản ứng với vắc xin có thể xảy ra tùy theo cơ địa của từng cá thể.

Vì vậy, người chăm sóc trẻ như cha mẹ, ông bà sẽ là người gần gũi trẻ nhất, có thể phát hiện sớm những trường hợp nguy cơ như trẻ khóc thét bất thường, sốt cao... để có thể đưa trẻ đến cơ sở y tế sớm.

Chia sẻ về quy trình thực hành an toàn tiêm chủng tại VNVC, bà Ngô Thị Tuyết Sương cho hay hiện VNVC là đơn vị tiên phong tại Việt Nam xây dựng quy trình an toàn tiêm chủng gồm 7 bước vô cùng nghiêm ngặt bao gồm đầy đủ các giai đoạn trước tiêm, trong khi tiêm và sau khi tiêm.

Thông tin thêm, BS Bạch Thị Chính, giám đốc y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho hay ngay từ khi thành lập, VNVC đã chủ trương thực hiện công khai, minh bạch các thao tác chuyên môn, đồng thời mời khách hàng cùng giám sát quá trình an toàn tiêm chủng gồm kiểm tra đối chiếu các thông tin cơ bản trên hộp/lọ vắc xin cũng như tính toàn vẹn của vắc xin (gồm vỏ hộp và lọ/xilanh chứa vắc xin, dung môi...).

Quy trình này phải có sự chứng kiến của ít nhất ba bên gồm: điều dưỡng thực hiện tiêm chủng, điều dưỡng hỗ trợ tiêm chủng và khách hàng hoặc người giám hộ của trẻ.

Để kịp thời phát hiện bất thường phản ứng sau tiêm, theo BS Chính, tất cả nhân viên của VNVC đều tuân thủ nguyên tắc sau khi khách hàng đến tiêm chủng sẽ được tính giờ, đúng 30 phút sau tiêm mới để khách hàng ra về. 

"Sau khi khách hàng ra về, chúng tôi vẫn giữ liên lạc để theo dõi phản ứng, trong cuốn sổ tiêm chủng cũng có đường dây nóng để khách hàng gọi lại trường hợp cần theo dõi. VNVC là đơn vị duy nhất có hotline trực 24/7 để xử trí các vấn đề sau tiêm cho khách hàng và cho tất cả người dân khi có nhu cầu", BS Chính cho hay.

Tiêm chủng vắc xin không chỉ cho trẻ nhỏ

Theo ông Lê Việt Dũng, phó cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), vắc xin là chế phẩm đặc biệt có tính kháng nguyên tạo miễn dịch đặc hiệu chủ động cho cơ thể người giúp tăng sức đề kháng của cơ thể, chống lại những bệnh truyền nhiễm, giảm được gánh nặng chăm sóc sức khỏe cơ bản.

"Từ khi còn nhỏ chúng ta đã không còn xa lạ với việc tiêm chủng vắc xin từ những mũi tiêm phòng lao, viêm gan B, ho gà, sởi... Thế nhưng hiện nay tiêm vắc xin không còn chỉ nằm ở lứa tuổi trẻ em mà người trưởng thành, lớn tuổi cũng được tiêm vắc xin. Gần đây nhất là chúng ta có chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19", ông Dũng nói.

Hoặc như vắc xin phòng cúm, cũng là loại vắc xin có thể sử dụng cho nhiều đối tượng, độ tuổi để phòng bệnh.

"Vắc xin phòng cúm hiện có thể phòng 4 loại vi rút cúm (chủng cúm A H1N1, H3N2 và 2 chủng cúm B). Bên cạnh việc tiêm vắc xin, thói quen sinh hoạt, rèn luyện sức khỏe và các biện pháp dự phòng không đặc hiệu như giữ ấm họng, vệ sinh tay, đeo khẩu trang cũng góp phần quan trọng vào việc giữ sức khỏe", ông Phạm Quang Thái - phó trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương - lưu ý.

Nhiều người cũng cho rằng tiêm vắc xin HPV nếu ở độ tuổi cao sẽ không còn tác dụng để phòng tránh ung thư cổ tử cung. Thế nhưng, theo BS Đinh Bích Thủy - trưởng khoa khám theo yêu cầu, Bệnh viện Phụ sản trung ương - thực tế rất nhiều chị em 30 - 40 tuổi chưa tiêm vắc xin HPV và mong muốn tiêm chủng.

"Theo khuyến cáo của thế giới và các nhà sản xuất thì lứa tuổi này vẫn tiêm được. Khi lớn tuổi, có thể vắc xin vẫn có tác dụng nhưng sẽ không được cao, tuy nhiên vẫn có thể phòng được các chủng HPV chưa mắc. Hiện vắc xin HPV khuyến cáo từ 9 - 26 tuổi", BS Thủy thông tin.

(Theo báo Tuổi trẻ)