Vắc xin là gì?

Có lẽ bạn sẽ bảo sao tôi hỏi vậy. Với chúng ta, vaccine là cái gì đó thật gần gũi với đời sống, là phương thức an toàn và hiệu quả nhất mà con cháu chúng ta không thể thiếu để tránh hiểm hoạ nhiều bệnh truyền nhiễm chết người.

Nhưng trên thực tế, chỉ có 42% người Việt từng nghe nói về vaccine. Và trong số những người từng nghe đó, chỉ có 71% tin rằng vaccine an toàn, chưa tới ba phần tư tin vaccine có hiệu quả.

Đó là vài con số đáng báo động về tình trạng "dân trí tiêm chủng" ở Việt Nam, được Quỹ Wellcome công bố hôm 19/6 vừa rồi, trong một báo cáo nghiên cứu quy mô về thái độ công chúng toàn cầu với các vấn đề khoa học và sức khoẻ lớn.

[ux_image id="2761"]

Nhìn ra thực tế, dịch sởi tiếp tục bùng phát và diễn biến bất thường trên cả nước. Trong số 3400 ca sởi được Cục Y tế dự phòng VN lưu trữ cho những tháng đầu năm 2019, gần như tất cả (97%) đều xảy ra ở trẻ không được đưa đi tiêm ngừa hoặc có lý lịch tiêm ngừa không rõ ràng.

Nói thế để thấy rằng đằng sau tình trạng dân trí tiêm phòng rất thấp mà Wellcome tìm thấy ở VN nhất là khi so với thế giới lẫn khu vực ASEAN là một mối hoạ lớn về bệnh tật, mạng sống.

Một thành quả y học đã được chứng nghiệm về độ an toàn và hiệu quả từ hàng trăm năm nay vẫn bị nhiều người Việt hoài nghi, với nhiều hậu quả khôn lường. Vì sao? Câu trả lời ngắn nhất là sự ô nhiễm thông tin về vaccine.

Đại họa toàn cầu

Trên thực tế, đây không chỉ là chuyện ở VN. Báo cáo Wellcome cho thấy thế giới vẫn còn hàng trăm triệu người hoài nghi về sự an toàn của vaccine. WHO xem trào lưu phản vaccine là một trong 10 mối đe doạ sức khoẻ toàn cầu năm 2019.

Ngay nhiều nước phát triển như Anh, Mỹ và nhất là Pháp vài năm gần đây chứng kiến sự trở lại của những bệnh truyền nhiễm được vaccine giúp dập tắt từ lâu như sởi và thuỷ đậu. Đến mức, Đức hiện đang xem xét dự luật sẽ áp dụng bàn tay sắt, không chỉ phạt tiền nặng mà còn không cho cha mẹ gửi con đến trường nếu họ chưa đưa con đi tiêm ngừa.

Lý do thì nhiều, trong đó có một phần rất lớn của cả báo chí dòng chính và mạng xã hội.

Năm 1998, báo chí phương Tây trở thành một trong những lực lượng châm ngòi cho trào lưu phản vaccine, khi họ đồng loạt đăng tin bài về một nghiên cứu cho thấy có liên hệ giữa vắc xin MMR (sởi-quai bị-rubella) và bệnh tự kỷ. Nghiên cứu này sau đó được chứng minh là không có độ tin cậy khoa học, có sự gian lận dữ liệu, với nhiều uẩn khúc về động cơ thương mại. Tác giả chính, Andrew Wakefiled - một bác sĩ người Anh, bị truất quyền hành nghề vì vi phạm đạo đức chuyên nghiệp.

[ux_image id="2762"]

Nhưng đến lúc đó thì, như người ta nói, bình đã vỡ, nước đã văng tung téo khắp nơi. Nhiều người dân không yên, bắt đầu từ chối vaccine. Khủng hoảng niềm tin vào tiêm chủng cứ thế lan dần, không dập tắt được, dù báo chí gần đây đã tỉnh táo hơn nhiều sau bài học trên.

Làn sóng phản vaccine đó gần đây đã trở thành đại hoạ, một phần nhờ sự "góp công" của mạng xã hội (MXH), mảnh đất màu mỡ cho các thông tin bịa đặt, nguỵ khoa học và phản khoa học. Một cuộc khảo sát cho thấy một nửa số người Anh lần đầu làm cha mẹ từng gặp thông tin phản vaccine trên MXH.

Các nhà cung cấp mạng xã hội như Facebook, Twitter hay PinInterest tìm cách xoá bỏ nhưng làm không xuể. Báo Times gần đây phát hiện một diễn đàn trực tuyến với thành viên là 40.000 phụ huynh Anh kêu gọi nhau không cho con tiêm ngừa các bệnh có thể gây chết người.

Mảnh đất đó càng thêm độc hại khi được vun đắp bởi nhiều nhân vật nổi tiếng và quyền lực nhưng thiếu tri thức khoa học. Donald Trump, trước khi trở thành tổng thống Mỹ, đã nhiều lần dùng Twitter để kêu gọi dân chúng chối bỏ vaccine. Khi ông vào Nhà Trắng, những người dẫn đầu trào lưu chống vaccine - gồm cả Andrew Wakefield như được tiếp sức để sống lại, tiếp tục truyền bá những "chứng cứ khoa học" không có giá trị về tác hại tiềm ẩn của vaccine. Chỉ đến cách đây một hai tháng, trước sự bùng phát dịch ở Mỹ lên mức báo động, người ta mới thấy ông Trump thay đổi giọng điệu.

[ux_image id="2763"]

Nhìn về việt nam

Rất tiếc, qua nghiên cứu cũng như qua kinh nghiệm đào tạo phóng viên cho mảng khoa học và y tế trong nước, tôi thấy báo chí VN vẫn chưa có sự chuẩn bị cần thiết để chủ động đóng vai trò vai trò then chốt trước sự nhiễu loạn thông tin về vaccine.

Thứ nhất, hình như ít ai nhận ra tầm quan trọng và hậu hoạ lâu dài của làn sóng phản vaccine. Khi Wellcome công bố báo cáo trên chẳng hạn, tôi cố tìm nhưng chỉ thấy vài bài dịch mô tả mọi thứ như là chuyện của thế giới, không thấy ai đi sâu khai thác các dữ liệu VN đáng lo trên. Nếu báo chí không theo dõi, báo động và dẫn dắt dư luận để cả xã hội chung tay giải quyết vấn nạn dân trí tiêm chủng này thì ai làm?

Một nhà báo trong nước đọc bản thảo bài này bảo tôi đó trước tiên là việc của giới y tế. Bạn ấy quên rằng thông tin và cảnh báo là trách nhiệm xã hội cơ bản của báo chí. Không phải vô cớ mà WHO và các tổ chức quản trị toàn cầu khác xem truyền thông là trọng tâm trong việc đối đầu với phản vaccine.

Không chỉ không chủ động thông tin, báo chí VN nhiều lúc còn đổ thêm dầu vào lửa. Thử nhìn lại cách báo chí ào ào chạy theo một vài tai nạn liên quan đến chích ngừa những năm gần đây, chúng ta cũng sẽ dễ thấy một bức tranh thông tin hỗn loạn.

Cái chết tức tưởi nào nhất là khi nạn nhân là những cháu bé bụ bẫm, ngây thơ, dễ động lòng xã hội, chạm lương tri con người, cho nên sẽ mang theo nó những giá trị về mặt báo chí. Cũng chính trong những lúc ấy, người dân lại cần sự dẫn dắt về thông tin hơn bao giờ hết để nhìn đúng bản chất vấn đề. Đằng này, nhiều báo đài hùa theo cảm tính bầy đàn, chưa kịp tìm hiểu, xác minh vấn đề đã vội vã đăng hết tin này đến bài kia.

Trong đó, nguy hiểm nhất là sự nhập nhằng giữa một bên là lỗi kỹ thuật/quy trình do nhân viên hoặc thiết bị y tế gây ra và một bên là bản chất an toàn và hiệu quả của vaccine mà khoa học đã chứng minh từ lâu. Thổi phồng các triệu chứng phụ không nguy hiểm của vaccine là một ví dụ.

Ngập trong trận lụt thông tin, nhiều người chắc chắn mất niềm tin vào vaccine, chọn giải pháp "an toàn" trước mắt là không đưa con đi tiêm phòng. Dịch sởi bùng phát gần đây có lẽ một phần không nhỏ do sự hoài nghi đó và báo chí phải chịu một phần trách nhiệm không nhỏ, nếu không nói là rất lớn, về sự bùng phát đó.

Thêm vào đó là các MXH và blog tiếng Việt, nơi đã thấy lan truyền nhiều thông tin phi khoa học nguy hiểm về vaccine, hoặc do cố tình nguỵ tạo hoặc do thiếu hiểu biết. Những trang này trưng ra những chứng cứ vu vơ, trông có vẻ rất khoa học, rất có lý đề đánh lừa cảm giác.

Các chiêu thường thấy là nhập nhằng diễn ngôn, mập mờ dữ liệu, ghép hư vào thực, chọn lọc trích dẫn không đúng bối cảnh, mượn một hai tiếng nói "chuyên gia" chống vaccine lẻ loi còn sót trên thế giới, đăng tải lời tự sự từ các bà mẹ từng "đau khổ vì vaccine"…

Người đọc qua loa, ít thì giờ để tìm hiểu, lại thiếu sự hỗ trợ kịp thời và hiệu quả từ báo chí chính thống, cho nên cứ thế truyền nhau - trên mạng lẫn ngoài đời. Một đồn mười, mười đồn trăm; nhiễu loạn càng thêm nhiễu loạn. Sức khoẻ, mạng sống nhiều trẻ em và gánh nặng lên gia đình, xã hội, hệ thống y tế, ngân sách cứ thế tiếp tục bị quăng vào trận đồ thông tin bát quái.

Chưa bao giờ VN cần báo chí thức dậy, tỉnh táo và sáng tạo để đối đầu với làn sóng phản tiêm chủng như hôm nay.